a. Trình tự thực hiện:
– Lãnh đạo Ban Đánh giá sự phù hợp
– Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phê giao nhiệm vụ cho cán bộ xử lý.
– Vào sổ công văn đến của Ban Đánh giá sự phù hợp.
– Xử lý hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ đáp ứng yêu cầu theo quy định tại về điều kiện đối với hóa chất nguy hiểm, phương tiện vận chuyển, người điều khiển phương tiện, người áp tải và yêu cầu khác được quy định tại Mục II Thông tư số 10/2008/TT-BKHCN ngày 08/8/2008, cán bộ thực hiện soạn thảo Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và tờ trình trình Lãnh đạo Tổng cục.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Mục II Thông tư số 10/2008/TT-BKHCN ngày 08/8/2008, cán bộ soạn thảo công văn yêu cầu bổ sung các tài liệu còn thiếu.
– Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ký phê duyệt.
b. Cách thức thực hiện:
– Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc qua đường bưu điện.
c. Thành phần, số lượng hồ sơ:
– Thành phần hồ sơ:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư số 10/2008/TT-BKHCN (tên hàng hoá phải được ghi theo đúng tên gọi, mã số Liên hợp quốc UN theo quy định tại Phụ lục 1 của Nghị định số 13/2003/NĐ-CP).
+ Tài liệu an toàn hóa chất nêu tại điểm d, khoản 1 Mục II Thông tư số 10/2008/TT-BKHCN.
+ Các tài liệu liên quan đến yêu cầu của người điều khiển phương tiện, người áp tải:
– Thẻ an toàn lao động của người điều khiển phương tiện, người áp tải được cấp theo quy định hiện hành của Nhà nước;
– Các giấy tờ cần thiết đối với người điều khiển phương tiện vận tải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
+ Bản cam kết của doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp được thuê vận chuyển hàng hoá) về bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường trong quá trình vận chuyển hàng hoá. Trường hợp doanh nghiệp có hàng hóa nguy hiểm cần vận chuyển phải thuê doanh nghiệp vận tải, cần bổ sung hợp đồng thuê vận chuyển trong đó nêu chi tiết các thông tin về phương tiện vận tải và tên người điều khiển phương tiện.
+ Lịch trình vận chuyển hàng hoá, địa chỉ và điện thoại của chủ hàng khi cần liên hệ khẩn cấp.
– Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
d. Thời hạn giải quyết:
15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
đ. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam.
e. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
g. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
h. Lệ phí:
Không.
i. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
Đơn đề nghị cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm (mẫu kèm theo).
k. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
Không.
l. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
– Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ.
– Thông tư 10/2008/TT-BKHCN ngày 08/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hóa chất nguy hiểm là các chất ô xy hóa, các hợp chất hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Nguồn tin: Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST)